1. Đất trồng

Cây gừng cần đất tương đối tốt, tầng đất dày, tơi xốp, ít đá lẫn, khả năng giữ nước lớn nhưng thoát nước tốt, có độ ẩm đầy đủ trong suốt thời gian cây sinh trưởng, tốt nhất là đất thịt, không ưa đất cát và đất sét. Độ pH thích hợp nhất là 5,5 – 7,0, những vùng đất đồi, núi hoặc đất nương rẫy có hàm lượng mùn cao rất thích hợp cho trồng gừng.

2. Thời vụ trồng

Trồng vào mùa Xuân (tháng 2 hoặc tháng 3) khi thời tiết mát mẽ hoặc có mưa phùn, độ ẩm không khí cao.

3. Làm đất

Cày, cuốc toàn diện đất để ải, bừa hoặc đập nhỏ lên luống theo đường đồng mức, kích thước luống chiều dài tùy theo thửa đất, chiều rộng bề mặt luống từ 70-80cm, cao 25cm.

Trồng xen dưới tán rừng có độ tàn che 0,5 trở xuống vẫn phát triển được bình thường, tán cây ăn quả, tán cây công nghiệp buộc phải sử dụng bao để trồng (có thể tận dụng bao xi măng, bao tải dứa, bao nilon, bao phân đạm…)

4. Xử lý giống

Xử lý giống trước khi trồng: Phải ủ ẩm, để nguyên tầng Gừng xếp thành đống đảm bảo thoát nước. Phun nước vào Gừng 2 ngày 1 lần, phía trên đậy phủ 1 lớp bao để giữ độ ẩm cho gừng. Trước khi đem trồng củ Gừng được cắt (tách) ra từng đoạn dài 3-4 cm, trên mỗi đoạn phải có ít nhất là một mắt mầm (chồi ngủ). Sau khi lành vết thương có thể phun thuốc Vôfatốc 0,7% hoặc Padan lên củ để diệt nấm, rệp có trong củ Gừng trước khi trồng.

Chú ý: Trong quá trình ủ gừng phải kiểm tra mắt gừng, nếu bị chín ép thì phải tách bỏ trước.

5. Kỹ thuật trồng

Tùy theo bề rộng của mặt luống trên mỗi luống có thể cuốc 2 hoặc 1 rạch dọc theo chiều dài của luống, cuốc sâu 10cm.

Tham khảo  Rau tầm bóp - Món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng mà bà nội trợ nào cũng nên biết

Khi trồng đồng thời bón lót NPK và hỗn hợp phân hữu cơ (gồm phân chuồng ủ với vôi bột, lân nguyên chất + tro trấu). Phân được ủ hoai mục từ 1-2 tháng để không gây bệnh. Bỏ hỗn hợp phân hữu cơ hai bên củ Gừng từ 1-1,5kg/khóm, rắc dọc theo rạch luống không được sát với củ gừng, tiếp tục xúc đất nhỏ lấp kín mặt bằng luống dày từ 3-4cm tính từ mầm gừng.

Tra gừng giống dọc theo rạch khoảng cách khóm cách khóm từ 30-35cm, trồng trong bao mỗi bao 2 – 3 mầm, mắt mầm gừng phải hướng lên phía trên, luống bố trí trồng theo 2 rạch khi đặt củ gừng bố trí theo hình nanh sấu, chiều dẹt củ gừng (chiều đẻ nhánh) theo chiều dọc của rãnh luống, sau đó lấy đất nhỏ mịn phủ kín củ gừng. Ấn chặt tay giữ cho củ gừng không bị nghiêng và để cho đất được tiếp xúc với củ gừng.

Sau khi trồng xong phủ kín mặt luống 1 lớp rơm, rạ để tạo độ xốp, giữ được độ ẩm, không cho cỏ mọc.

Vật tư trung bình cho trồng 1 sào gừng: Gừng giống 50-60kg, vôi bột 20kg, phân chuồng ủ hoai mục 500-600kg, tro trấu 1000kg, phân kali 10kg, NPK 25kg. Lượng phân dùng cho bón lót 50% (tùy theo đất tốt xấu mà điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp).

Chú ý: Phân chuồng hoai mục, tro trấu là yếu tố chính để gừng có năng suất và chất lượng cao.

6. Kỹ thuật chăm sóc

Sau khi trồng nếu thời tiết khô, hanh cần phải tưới nước giữ đủ độ ẩm thường xuyên cho gừng mọc nhanh, khỏe mập. Cần phải tủ thêm rơm, rạ, trấu để không cho cỏ mọc.

Khi gừng mọc được 2 lá chính thì ngâm lân với phân chuồng pha loãng để tưới cho gừng mọc mập và đẻ nhánh tốt.

Gừng bắt đầu đẻ nhánh khoảng 3-4 tháng sau khi trồng, vào thời kỳ gừng bắt đầu hình thành củ thì tiến hành bón thúc phân chuồng hoai mục + NPK.

Tham khảo  Cây hoắc hương: Tìm hiểu về dược liệu tự nhiên

Nếu có cỏ mọc lên từ 4-5cm phải nhổ ngay. Hết sức tránh để cỏ tốt làm cho khi nhổ cỏ làm đứt rễ gừng sẽ chết. Khi làm cỏ kết hợp vun gốc gừng.

*/ Cách bón: Xới xáo đất xung quanh phía ngoài gốc, bỏ phân, phủ đất mỏng kín phân và kếp hợp vun đất vào gốc. Không được để củ gừng lộ ra khỏi mặt đất để đảm bảo phẩm chất của gừng.

7. Phòng trừ sâu bệnh

Cây gừng thường hay bị 3 loại sâu bệnh như sau:

Bệnh thối củ, rễ, thân: do nấm và vi khuẩn dùng thuốc Alfamim 25WP – Starner (Kasumim) hoặc Manage 5WP phun phòng, cứ 10-15 ngày phun 1 lần, nếu bị bệnh nặng thì 5 ngày phun 1 lần.

Bệnh sâu đục thân dùng thuốc Padan phun.

Bệnh khô đầu lá: dùng thuốc Toccil (thuốc phun bệnh đạo ôn của lúa) để phun.

8. Thu hoạch và bảo quản gừng, tiêu thụ

Thu hoạch củ gừng vào tháng 12 (nên thu hoạch vào ngày trời nắng). Trong giai đoạn này lá gừng chuyển sang màu vàng, một số lá khô héo. Dùng cuốc đào nhẹ, tránh gãy củ, sau đó nhổ toàn bộ cây, rũ sạch đất, cắt bỏ rễ, thân.

Bảo quản để nơi thoáng mát, khô ráo, để giống cho vụ sau. Nếu làm gia vị để nơi khô mát, dùng dần sẽ được 4-5 tháng.

Dùng củ tươi để làm mứt, chưng cất tinh dầu. Mứt gừng thường tiêu thụ trong dịp Tết. Tinh dầu đóng trong lọ nhỏ làm thuốc chữa bệnh cảm cúm, đau lưng, cơ, ho, đau họng,…/.

Mục nhập này đã được đăng trong Đông y. Đánh dấu trang permalink.